5 phương pháp xây dựng văn hóa chấp nhận rủi ro
Nhà lãnh đạo cần nhắc cho họ biết rằng tổ chức đang cam kết cho việc chấp nhận rủi ro và khuyến khích họ mạo hiểm với những ý tưởng đột phá.
Tuy nhiên, khi quyết định thiết lập một “sân chơi an toàn”, không khuyến khích nhân viên chấp nhận rủi ro, nhất là những rủi ro “thông minh” và “có tính toán”, nhà lãnh đạo sẽ làm cản trở sự phát triển của tổ chức.
Văn hóa dám chấp nhận rủi ro là nền tảng cho sự ra đời của những ý tưởng mới mẻ và đột phá, giúp doanh nghiệp phát triển các hoạt động kinh doanh mới, cải thiện năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Theo các chuyên gia, con đường duy nhất đi đến thành công là chấp nhận “thất bại có mục đích” và thành công lớn chỉ có thể đến nếu tổ chức đã trải qua những thất bại nhỏ.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để khơi dậy và ủng hộ văn hóa chấp nhận rủi ro? Trước tiên, các chuyên gia khuyên các nhà lãnh đạo nên sẵn sàng chấp nhận thất bại chứ không nên loại bỏ thất bại.
Nhà lãnh đạo cần hỗ trợ và khuyến khích nhân viên sẵn sàng nắm bắt các cơ hội thay đổi. Nhà lãnh đạo nên kể những câu chuyện về những trường hợp thất bại nhưng là tiền đề cho những thành công lớn sau này.
Để làm những điều như thế, tổ chức cần phải kiên định với thay đổi văn hóa từ chỗ e ngại rủi ro sang chấp nhận rủi ro. Theo các chuyên gia, văn hóa chấp nhận rủi ro có thể được xây dựng theo những cách sau đây.
1. Khuyến khích thất bại
Nhà lãnh đạo nên truyền thông đến nhân viên rằng tổ chức đang sẵn sàng chấp nhận rủi ro để khai phá những hoạt động kinh doanh mới, những cách làm mới và thất bại là điều không tránh khỏi.
Mục tiêu là chấp nhận những thất bại nhỏ, diễn ra nhanh với chi phí thấp thay vì những thất bại lớn, kéo dài và gây ra nhiều tổn thất. Nhà lãnh đạo cũng nên khen ngợi những nhân viên dám chấp nhận rủi ro và thất bại, làm cho họ hiểu rằng đó chính là cơ hội để học hỏi từ kinh nghiệm.
2. Trao quyền cho nhân viên chấp nhận những rủi ro “an toàn”
Thống kê cho thấy khoảng 67% nhân viên ở Mỹ có thể nêu ra ít nhất một lý do khiến họ ngại chấp nhận rủi ro ở công sở.
Do đó, các nhà lãnh đạo cần giải thích cho nhân viên hiểu thế nào là rủi ro “thông minh” hay rủi ro “có tính toán” và khuyến khích nhân viên tự chấp nhận những rủi ro như thế thay vì thụ động chờ chỉ đạo của cấp trên.
3. Đi tìm “những kẻ thách thức”
Nhà lãnh đạo nên khuyến khích nhân viên thường xuyên xem xét lại những công việc thuộc dạng “chuyện thường ngày” mà ít ai nghĩ rằng cần phải có thay đổi gì với chúng.
Những nhân viên luôn biết tự đặt câu hỏi “liệu đây có phải là cách tốt nhất để làm việc này?” chính là những nhân viên sẵn sàng chấp nhận thách thức và rủi ro.
Nhà lãnh đạo cần nhắc cho họ biết rằng tổ chức đang cam kết cho việc chấp nhận rủi ro và khuyến khích họ mạo hiểm với những ý tưởng đột phá.
4. Sẵn sàng hỗ trợ nhân viên
Nhà lãnh đạo nên làm cho nhân viên hiểu rằng mình luôn sẵn sàng dẫn dắt, hướng dẫn và hỗ trợ nhân viên thực hiện các ý tưởng mới.
Đồng thời, nhà lãnh đạo cũng nên hậu thuẫn cho những nhân viên biết tạo ra thách thức với những cách làm cũ và chấp nhận rủi ro để tìm hiểu thật sự họ sẽ đạt được những kết quả gì khi mạo hiểm.
5. Củng cố niềm tin
Nhà lãnh đạo nên nuôi dưỡng một môi trường mà ở đó nhân viên luôn tin tưởng rằng những suy nghĩ chân thật của họ luôn được lắng nghe và bản thân họ luôn được bảo vệ an toàn, và rằng họ sẽ không bị áp đặt sự đánh giá mang tính định kiến chủ quan hay bị hạn chế các cơ hội phát triển nghề nghiệp khi đưa ra những ý tưởng mới hay khác biệt.
Khi đó, họ sẽ cởi mở hơn và mạnh dạn chấp nhận rủi ro, thử thách nhiều hơn.
Leave a Reply