Chiến lược để giữ chân nhân sự giỏi tại Techcombank
Như vậy, nhân sự có thành công hay không, một phần là nhờ được đào tạo và phần lớn phụ thuộc vào nỗ lực của bản thân họ và nỗ lực dẫn dắt của người lãnh đạo trực tiếp.
Bà Phạm Vũ Minh Đan – Giám đốc Khối quản trị nguồn nhân lực, ngân hàng Techcombank cho biết, thời gian qua, ngoài nâng cao chế độ đãi ngộ, ngân hàng chú trọng đào tạo và xây dựng môi trường làm việc tích cực đem đến cơ hội phát triển năng lực cá nhân của mỗi nhân viên. Nhờ đó, Techcombank đã khẳng định vị thế một trong số doanh nghiệp có môi trường làm việc hấp dẫn trên thị trường.
– Ấn tượng của bà như thế nào về đội ngũ nhân sự tại ngân hàng Techcombank trong thời gian qua?
– Những năm gần đây, chất và lượng của nguồn nhân lực Techcombank ngày càng nâng cao trở thành một động lực lớn cho sự phát triển của ngân hàng.
Theo kết quả khảo sát “Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2016” của công ty Nielsen và Anphabe vừa công bố vừa qua, Techcombank có những cải thiện rõ rệt như: số lượng cán bộ có trình độ học vấn từ cao đẳng trở lên có xu hướng tăng, trong đó trình độ trên đại học tăng mạnh nhất (9%).
Thời gian làm việc trung bình của cán bộ tại Techcombank là 4,73 năm (tăng 5%), cao hơn đáng kể so với mức trung bình 3 năm của ngành dịch vụ. Đây là con số tích cực thể hiện sự gắn kết của người lao động với ngân hàng.
Là người làm quản trị nhân lực của Techcombank, tôi có thể nói ngắn gọn: Đãi ngộ tốt, tất nhiên đó là một điều kiện nhưng ở Techcombank, bí quyết nằm ở chỗ chúng tôi tạo điều kiện hết mức để nhân sự thành công; phát huy tiềm năng và trở thành một “phiên bản tốt hơn” của chính mình. Nhân viên thành công thì ngân hàng sẽ thành công.
– Techcombank hiện thực hóa chiến lược này trong quản trị nhân sự như thế nào, thưa bà?
– Để giúp một cán bộ nhân viên thành công, chắc chắn cần phối hợp của tất cả các mảng trong tổ chức chứ không chỉ là bộ phận nhân sự. Techcombank có quan tâm đến việc trả lương cao nhất, đào tạo nhiều nhất. Tuy nhiên, đó chưa phải là điều chúng tôi đặt lên hàng đầu.
Trước tiên, chúng tôi phải tạo ra được môi trường mà cán bộ nhân viên có thể thành công. Môi trường ấy là sự kết hợp của nhiều yếu tố. Chúng tôi định hướng chiến lược rất rõ ràng. Ngân hàng phải chỉ cho nhân viên những “trận đánh” có khả năng thắng cao nhất, những lĩnh vực, mảng hoạt động Techcombank có thế mạnh cạnh tranh.
Sau khi chỉ ra những trận đánh chắc thắng, Techcombank trang bị cho nhân sự “vũ khí” để họ chiến đấu. Đó là quy trình và hệ thống ngày càng được cải tiến giúp họ tăng năng suất; đào tạo để nâng tầm năng lực cá nhân của họ, giúp họ thành công.
Phạm Vũ Minh Đan – Giám đốc Khối quản trị nguồn nhân lực Techcombank.
Techcombank đã phá bỏ lối mòn cũ kỹ là cứ đào tạo, mà không đo đếm được đầu ra, cân đong được tác động. Ở đây, chúng tôi xây dựng từng khung năng lực, gắn liền với yêu cầu của vị trí công việc.
Trước khi đào tạo nhân sự về một mảng hoạt động nào đó, ngân hàng đều nhìn lại, đánh giá công việc theo định hướng mới, cho nhân viên biết họ cần nắm giữ những gì, cần có kỹ năng gì, đảm bảo khi nhân viên được đào tạo những năng lực ấy, họ sẽ chắc chắn đạt được mục tiêu.
– Bà có chia sẻ về một dự án phân nhóm và phát triển nghề nghiệp tại ngân hàng triển khai ở quy mô hơn 7.000 cán bộ nhân viên của ngân hàng. Hiện kết quả của dự án này ra sao?
– Trong năm 2015-2016, chúng tôi đã triển khai 130 lớp học (trực tiếp và trực tuyến) cho 2.340 cán bộ direct sales (tương ứng với 6.021 lượt học). Trong giai đoạn 2, kết quả thi năng lực đầu ra đạt 90,20%, tăng 20,27% so với điểm thi đầu vào (75%).
Trong năm 2016, dự án JobCat đã kết hợp với sáng kiến Nâng cao năng lực BB RM (RM Capability Initiative) để hoàn thành 8 bộ khung phát triển năng lực tổng thể cho BB RM và đã được chúng tôi đưa vào sử dụng từ đầu năm 2017.
Bên cạnh với việc đào tạo trên lớp học, tại Techcombank đào tạo trong thực tiễn công việc là yêu cầu bắt buộc đối với các các bộ quản lý. Người lãnh đạo tạo cho nhân viên cơ hội thể hiện những gì họ được học vào công việc, nếu họ làm tốt, lãnh đạo sẽ động viên và tư vấn, chỉ ra cho họ những cách thức để có thể làm tốt hơn nữa. Ngược lại, nếu nhân viên làm chưa tốt, người quản lý phải cho họ biết tại sao để chỉnh sửa và hoàn thiện tốt hơn.
Như vậy, nhân sự có thành công hay không, một phần là nhờ được đào tạo và phần lớn phụ thuộc vào nỗ lực của bản thân họ và nỗ lực dẫn dắt của người lãnh đạo trực tiếp.
– Làm thế nào để ngân hàng cân bằng được mục tiêu tăng trưởng cao mà giảm được áp lực công việc cho nhân viên?
– Áp lực là khi bạn làm hoặc bỏ ra rất nhiều công sức mà không ra kết quả, bạn sẽ cảm thấy rất nản, dù đãi ngộ tốt, công ty có danh tiếng.
Ở Techcombank, chúng tôi không chỉ đặt ra mục tiêu cho người lao động mà còn hỗ trợ hết mức để họ đạt được mục tiêu, kết quả trong công việc, được ghi nhận và nhận thưởng. Tôi muốn nhấn mạnh ở đây là bên cạnh lương thưởng, chế độ phúc lợi, bí quyết để thu hút và giữ chân nhân tài mà chúng tôi đang thực hiện là được tạo điều kiện để thành công.
– Kế hoạch giữ chân nhân lực giỏi của ngân hàng thời gian tới là gì?
– Chúng tôi luôn trân trọng những người có ý chí và nỗ lực sử dụng thời gian của mình một cách hữu ích nhất để tích lũy về chất. Bạn hãy ngẫm xem, những người làm nên sự nghiệp, có khát vọng lớn, chắc chắn sẽ không theo đuổi chỉ những giá trị vật chất.
Ở Techcombank, nhân sự làm việc tốt không những nhận được lương thưởng xứng đáng mà còn được đào tạo, có cơ hội phát triển, năng lực của họ sẽ càng được cải thiện và càng có cơ hội nhận được nhiều hơn trong tương lai. Sang một tổ chức khác không có được cơ hội đào tạo, tuy có lương thưởng cao hơn nhưng chỉ là lợi ích trong ngắn hạn và có thể mất bất cứ lúc nào.
Khi bạn trẻ, hãy lựa chọn cho mình một môi trường làm việc mang lại những giá trị lâu dài. Chúng tôi còn nhiều việc cần cải thiện, nhưng chắc chắn rằng Techcombank đang trở thành một trong những nơi tốt nhất để giúp các nhân sự tích lũy về chất, trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình, xây dựng được sự nghiệp thành công và có nhiều lựa chọn, chứ không chỉ là những đề nghị ngắn hạn. Chúng tôi tin rằng, đây là cách tốt nhất để giữ chân nhân tài.
Leave a Reply