6 cách thể hiện được sự quan tâm tới nhân viên ngắn hạn
Một số công ty đã chuyển sang mô hình lịch làm việc “khi cần người thì có ngay”. Theo đó, người lao động chỉ được liên hệ vào giờ phút cuối khi cần thiết với lịch công việc có lợi cho cả hai.
Những nhân viên làm việc ngắn hạn, hay làm công nhật, thường mang tâm lý rằng tương lai công việc của họ không có gì là chắc chắn, thu nhập gắn liền với giờ làm việc. Họ có cần được tạo động lực không, cũng như mức độ gắn bó và cam kết của họ như thế nào?
Susan Milligan – một cây viết thường xuyên của cộng đồng nhân sự SHRM, đã đặt ra vấn đề này và đi tìm câu trả lời.
Đầu tiên, bà trích dẫn nhận định của Louie Shapiro – Giám đốc nhân sự của một khách sạn có 350 nhân viên: “Nhiều nhà quản lý khó tạo lập quan hệ với nhân viên dạng này so với nhân viên làm việc toàn thời gian, do hai nhóm nhân viên này có sự khác biệt cả trong đời sống lẫn nơi làm việc. Bởi vậy, cách nhìn nhận về sự đóng góp trong công việc của hai nhóm nhân viên này cũng khác nhau”.
Như vậy, vấn đề là làm sao để các nhân viên ngắn hạn thấy rằng họ vẫn thuộc về một tập thể, một mái nhà nào đó. Tâm lý của nhân viên dù ở dạng nào cũng là đi tìm sự ổn định. Như Joshua Ostrega – Giám đốc một công ty ở Montreal nhận định: “Nhân viên miệt mài đi tìm công việc mới, còn người sử dụng lao động miệt mài đi tuyển dụng mới”.
Một câu chuyện khác từ Marc Husain – Phó chủ tịch một công ty nhân sự được Milligan dẫn chứng, đó là làm cho nhân viên ngắn hạn thấy rằng họ thuộc về công ty. Qua các phương tiện email, LinkedIn và các môi trường mạng xã hội khác, Marc Husain giữ liên lạc với nhân viên ngắn hạn, chờ họ quay lại khi cần thiết.
Sàng lọc lại, Milligan chú ý đến 6 ý kiến được các chuyên gia gợi ý như sau:
1. Bắt đầu từ một văn hóa của sự đón nhận
Như Jim Link – người phụ trách nhân sự của Randstad ở Atlanta (Mỹ) nhận định, văn hóa đó không có nghĩa là đối xử với mọi người đều như nhau, mà là nhân viên ngắn hạn cần được đối xử công bằng.
Cần phải hiểu công việc và những đóng góp của những nhân viên đó vào thành công của công ty, không nên đối xử với nhân viên theo cách mà họ được trả lương. Đó là văn hóa cần có.
2. Làm cho nhân viên ngắn hạn thấy đóng góp của họ là đáng kể và được ghi nhận
Ví dụ như Jayson Saba – Phó chủ tịch một công ty nhân sự khác tại Minnesota, dùng các phiếu tặng quà loại 20 USD dành cho các nhân viên chăm sóc khách hàng chỉ làm việc trong một quý. Tác dụng được mô tả là bất ngờ và đem đến lợi ích cho cả công ty lẫn nhân viên.
3. Tìm hiểu tâm tư của nhân viên ngắn hạn
Tìm hiểu những gì họ thích và không thích, gia đình của họ ra sao và về những mục tiêu nghề nghiệp của họ. Những yếu tố này rất quan trọng, giúp người quản lý có thêm thông tin về nhân viên để có thể thay đổi mối quan hệ công việc tích cực hơn.
4. Cần có lịch làm việc linh hoạt
Một số công ty đã chuyển sang mô hình lịch làm việc “khi cần người thì có ngay”. Theo đó, người lao động chỉ được liên hệ vào giờ phút cuối khi cần thiết với lịch công việc có lợi cho cả hai.
5. Giữ liên lạc với người lao động
Giữ địa chỉ email, cập nhật trên mạng xã hội để nhân viên ngắn hạn thấy họ luôn được chú ý và có giá trị.
6. Làm cho nhân viên ngắn hạn thấy tương lai của họ có thể gắn bó với công ty
Nhân viên ngắn hạn làm việc tốt sẽ được chuyển sang diện hưởng lương dài hạn, và họ biết rằng mình được công ty giúp đỡ để đạt được điều này. Khi cho họ thấy có con đường thăng tiến trong công ty, công ty sẽ nhận được nhiều hơn từ họ. Việc tưởng thưởng nhân viên ngắn hạn bằng cách giới thiệu công việc mới cho họ cũng là một biện pháp hay.
Có một câu chuyện được truyền miệng về mối quan hệ bền vững của nhân viên ngắn hạn với cấp quản lý: Vào năm trước, những người lao động ở chuỗi siêu thị Market Basket ở Massachusetts đòi được trả lại người quản lý của họ đã bị công ty sa thải, đó là Arthur T. Demoulas. Lý do được họ nêu ra là ông luôn đặt nhân viên và khách hàng lên hàng đầu. Kết của câu chuyện này là Demoulas “của họ” đã quay lại làm việc.
Leave a Reply