Mối quan hệ lao động là gì?
Khi hiểu nội hàm quan hệ lao động là như vậy thì có thể giải đáp câu hỏi là quan hệ lao động có phải là “siêu lĩnh vực” hay không?
Đọc tiêu đề Liệu chúng ta đã hiểu quan hệ lao động là gì? , chắc có ai đó sẽ nói: “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Hoặc có người nóng tính hơn sẽ nói “Hâm à, bây giờ còn đi nói lại cái chuyện a, b, c này à?”.
“Quan hệ lao động là tương tác giữa người mua sức lao động và người bán sức lao động, ngoài ra có thể có sự tác động của Chính phủ ?”
Đoán là như thế, nhưng mà lại nghĩ chắc cũng có người tò mò mà thử vào đây đọc xem mình “hâm” thế nào. Nghĩ vậy nên viết đôi dòng ra đây để giãi bày cái “hâm” của mình. (Cứ nghĩ là mình hâm thì tự nhiên thấy tự tin hẳn lên, nói năng đỡ phải “vá víu” vì làm gì có người tỉnh nào lại đi chấp người hâm).
Cái “hâm” trong tôi nó có xuất xứ như thế này: cách đây nhiều năm, cái thuở mới chập chững xách cái túi và cái căp lồng cơm đi làm ấy, tôi thường được nghe các bác cao niên giảng giải rằng quan hệ lao động là tất cả những gì quy định trong Bộ luật Lao động (vì các bác ấy căn cứ vào điều 1 của Bộ luật này mà, không tin các bạn cứ giở luật ra nà xem). Theo cách giải thích đó thì quan hệ lao động bao gồm tuốt tuồn tuột tất cả những nội dung mà Bộ Lao động đang quản lý, từ việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, dạy nghề, an toàn vệ sinh lao động, vân vân và vân vân
Nghe giảng giải như vậy, tôi cứ tự nghĩ: ơ, thế quan hệ lao động là liên lĩnh vực, là siêu lĩnh vực à?
Sau này, có đôi lần mấy ông chuyên gia của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) có hỏi tôi là ở Việt Nam thì cơ quan hay đơn vị thuộc cơ quan nào thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quan hệ lao động? Tôi liền đem cái vốn hiểu biết học lỏm được của mình ngày xưa giải thích lại cho mấy ông chuyên gia ILO ấy và nói rằng cả cái Bộ Lao động quản lý nhà nước về quan hệ lao động chứ còn cơ quan nào nữa. Tôi thấy mấy ông ấy hơi chau mày, im lặng rồi mỉm cười ý nhị (chắc các ông ấy đều đã được học bài bản về phép ứng xử rồi!).
Từ đó, tôi cặm cụi đi tìm hiểu để tự giải mã cái nụ cười ý nhị đó và hôm nay, xin được chia sẻ với các bạn về cách hiểu của tôi về nội hàm của quan hệ lao động.
Để cho dễ hiểu, trước hết ta tìm hiểu thế nào là quan hệ giữa người bán và người mua nói chung đã.
– Quan hệ giữa người bán và người mua đơn giản chỉ là mối quan hệ được thiết lập giữa người bán và người mua. Hai người này mặc cả với nhau về một thứ hàng hóa nào đó, ví dụ như một mớ rau muống, một cái xe hay một cái nhà chẳng hạn. Khi đó, sự tương tác (mặc cả) được thiết lập giữa hai người này chính là thể hiện mối quan hệ giữa người bán và người mua.
– Còn mớ rau muống, cái xe hay cái nhà là đối tượng của mối quan hệ mua-bán, là mục đích để hai bên tương tác (mặc cả) chứ bản thân các vật này không thể gọi là quan hệ giữa người bán và người mua được.
– Lại nữa, sự mua bán của hai người đâu phải trên cung trăng, mà là ở trong một thị trường nào đó, và ở thị trường thì ắt hẳn đâu phải chỉ có một người bán, một người mua (thị trường nói chung, trừ trường hợp đặc biệt) và đâu chỉ có mua-bán một mặt hàng duy nhất. Bởi vậy, sự bán-mua của những người khác, giá cả được hình thành ở các giao dịch khác, rồi lượng cung – cầu của mặt hàng đó trên thị trường, các dự báo về biến động của thị trường trong tương lai…đều tác động đến quyết định bán – mua của hai người này. Tất cả những yếu tố tác động đó cũng chỉ là yếu tố tác động đến quan hệ bán-mua, chứ đó không phải là bản thân mối quan hệ giữa người mua và người bán.
Từ ví dụ trên, ta có thể thấy có 3 nhóm yếu tố để phân tích: thứ nhất là 2 chủ thể (người bán và người mua) và sự tương tác (mặc cả) giữa hai chủ thể này; thứ hai là đối tượng của sự tương tác (mặc cả) tức là hàng hóa bán-mua; thứ ba là những yếu tố bên ngoài tác động đến giá cả và quyết định bán – mua của hai người.
Quan hệ lao động cũng được xem xét tương tự, gồm 3 nhóm yếu tố như trên.
Thứ nhất, quan hệ lao động (cá nhân) là quan hệ giữa người lao động làm thuê và người đi thuê lao động. Hai người này thỏa thuận với nhau về công việc người làm thuê cần phải thực hiện, về điều kiện để người làm thuê làm việc và về những thứ mà người làm thuê được người thuê trả công vì những công việc và người làm thuê đã thực hiện theo yêu cầu của người thuê. Nếu người thuê lao động thuê nhiều hơn 1 người (ví dụ 100 người chẳng hạn) và những người này liên kết lại với nhau, bầu ra đại diện cho mình để đối thoại, thương lượng và/hoặc ký thỏa ước lao động tập thể giữa tập thể người lao động làm thuê và người thuê lao động thì khi đó đã hình thành quan hệ lao động tập thể. Ở đây phải hết sức lưu ý kẻo lại nhầm giữa quan hệ lao động tập thể với một tập hơp các quan hệ lao động cá nhân. Sự khác biệt là ở chỗ quan hệ lao động tập thể thì phải có chủ thể đại diện cho cái tập thể đó, còn nếu không có chủ thể đại diện thì lúc đó, tuy về hình thức mình có thể thấy có nhiều người lao động tham gia vào mối quan hệ này nhưng thực ra nó chỉ là phép cộng cơ học của các mối quan hệ lao động cá nhân nên nó chỉ là một tập hợp các quan hệ lao động cá nhân chứ chưa phải là quan hệ lao động tập thể.
Thứ hai, hai chủ thể trên (cá nhân hoặc đại diện như nói ở trên, tùy loại quan hệ lao động) sẽ mặc cả, thỏa thuận với nhau về công việc người lao động làm thuê phải thực hiện, về điều kiện để thực hiện các công việc đó và đặc biệt là về những thứ mà người lao động làm thuê sẽ nhận được từ người thuê lao động (gọi tắt là tiền lương) và có thể về nhiều thứ nữa mà tôi cũng không thể thống kê hết vì chỉ có người trong cuộc mới biết là họ cần mặc cả với nhau cái gì thôi (gắn với trường hợp cụ thể với bối cảnh cụ thể).
Ở đây các bạn thấy tôi chỉ dùng từ “mặc cả, thỏa thuận” mà không thấy dùng từ “đối thoại” hay “tranh chấp lao động”, “đình công” khi miêu tả những sự tương tác giữa hai chủ thể này, mặc dù tất cả những hành động trên đều là những biểu hiện cụ thể của sự tương tác giữa hai chủ thể trong quan hệ lao động. Lý do là vì nếu các bạn quan sát kỹ thì thấy đối thoại thực ra nó chỉ là một sự tập dượt, một sự khởi đầu cho quá trình mặc cả thôi, cũng như người bán và người mua chào hỏi, nịnh nhau hay khen nhau mấy câu cho nó sướng cái lỗ tai trước khi mặc cả ấy mà (còn trong định nghĩa của ILO thì đối thoại lại bao gồm mặc cả đấy nhé, cẩn thận kẻo nhầm). Còn khái niệm “tranh chấp lao động” thực ra là để chỉ một tình huống khi thương lượng (mặc cả) bị thất bại hoặc không hoạt động. Thế cho nên nếu chỉ nói “mặc cả” thôi thì cũng hàm ý là sự mặc cả này có thể thành công hay thất bại, mà nếu thất bại thì có thể sẽ xuất hiện tranh chấp. Như vậy tôi tuy không nói đến từ “tranh chấp” nhưng nó đã hàm ý ở trong “mặc cả”. Còn “đình công” là một hành động xảy ra khi tranh chấp bị bế tắc và xét cho cùng thì đình công cũng chính là một hành động mặc cả hay đúng hơn là gây sức ép lên quá trình mặc cả. Bởi vậy, để cho gọn vấn đề, chúng ta chỉ cần nói quá trình “mặc cả” thôi là đã đủ để đại diện cho tất cả các quá trình tương tác khác. Tôi nói gọn lại như vậy cho nó gần với ví dụ về hoạt động bán-mua tôi nêu bên trên.
Thứ ba, khi hai bên (chủ thuê lao động và lao động đi làm thuê) tương tác với nhau về những nội dung nêu ở phần 2 thì có khá nhiều những yếu tố bên ngoài tác động vào sự tương tác đó và tác động vào quyết định của mỗi bên trong quá trình tương tác. Ví dụ khi cầu lao động trên thị trường cao hơn cung thì lúc đó người lao động có xu hướng “ép” người thuê lao động trả lương cao hơn, và ngược lại khi cầu lao động thấp hơn cung trên thị trường lao động (ví dụ thời kỳ kinh tế khủng hoảng) thì người thuê lao động lại ở thế “thượng phong” ép người lao động với những điều kiện về lương bổng thấp hơn. Hoặc khi chỉ số giá sinh hoạt tăng thì người lao động có xu hướng đòi tăng lương để bù chi phí sinh hoạt,..Ta có thể nêu lên rất nhiều yếu tố ngoại cảnh (yếu tố kinh tế, xã hội, văn hóa,..) tác động vào quan hệ lao động và phải luôn hiểu rằng bản thân những yếu tố này không phải là nằm trong quan hệ lao động và bởi vậy đừng phí công đi tìm lời giải cho quan hệ lao động ở những yếu tố này.
Sau khi giải thích dài lê thê về cái sự hâm của mình như trên, tôi sẽ kết thúc cái bài đầu tiên của mình ở đây với một số câu hỏi để các bạn cùng nghĩ:
– Vậy thì phải chăng quan hệ lao động là tiền lương, là bảo hiểm xã hội, là an toàn vệ sinh lao động, là dạy nghề,…như ai đó đã giải thích cho tôi ngày xưa? và nếu quan hệ lao động là mấy thứ đó thì cứ tăng cường quản lý nhà nước mấy cái thứ đó thế là quan hệ lao động sẽ ổn? Đó chính là cái sự nhầm thứ nhất. Những chính sách đó là về những tiêu chuẩn lao động, được áp dụng trong quan hệ lao động chứ bản thân những chính sách này không phải là về quan hệ lao động và không giải quyết được những vấn đề về quan hệ lao động.
– Có phải là để tạo dựng quan hệ lao động lành mạnh, cần tăng cường những chính sách về đời sống tinh thần, vật chất cho người lao động? Đó là cái nhầm thứ hai. Phải nói rằng những chính sách này nếu làm được thì sẽ rất tốt, nhưng nó lại không giải quyết được vấn đề quan hệ lao động. Có thể hiểu những chính sách này nó tốt theo kiểu như là tẩm bổ để chữa bệnh ấy, nhưng nếu mà chỉ tẩm bổ thôi thì chữa thế nào được bệnh? Chữa bệnh thì phải điều trị bằng y học chứ(!)
Theo cách hiểu hâm hâm của tôi thì hai nhóm vấn đề trên không thuộc về quan hệ lao động, và bởi vậy hai nhóm chính sách về những vấn đề nói trên không phải là nhóm chính sách về quan hệ lao động. Như đã phân tích ở trên, nhóm chính sách thứ nhất là về tiêu chuẩn lao động được áp dụng trong quan hệ lao động và nhóm thứ hai là về những yếu tố môi trường tác động đến quan hệ lao động mà thôi.
Vậy quan hệ lao động là gì và nội hàm chính sách về quan hệ lao động là gì?
Như đã trình bày ở trên, nếu loại bỏ hai nhóm vấn đề trên thì những vấn đề cốt lõi của quan hệ lao động chỉ còn là về hai chủ thể và toàn bộ những tương tác giữa hai chủ thể này, cộng với sự tương tác của bên thứ ba (Chính phủ) vào bản thân hai chủ thể và vào quan hệ giữa hai chủ thể này. Nếu nghiên cứu luật pháp các nước thì thấy luật quan hệ lao động của các nước cũng chỉ điều chỉnh hai nội dung trên thôi (các chủ thể và quá trình tương tác giữa các chủ thể).
Nếu chiếu vào luật pháp hiện tại của Việt Nam thì trong Bộ luật Lao động chỉ có chương 13 về công đoàn, chương 5 về thương lượng, thỏa ước lao động tập thể và chương 14 về tranh chấp lao động được coi là điều chỉnh quan hệ lao động tập thể thôi. Nếu cộng cả quan hệ lao động cá nhân thì tính thêm cả chương 4 về hợp đồng lao động nữa.
Khi hiểu nội hàm quan hệ lao động là như vậy thì có thể giải đáp câu hỏi là quan hệ lao động có phải là “siêu lĩnh vực” hay không?
Leave a Reply